Mục lục bài viết
Quy định về yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự năm 2015
Thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn là khi nào? Bài viết dưới đây Luật Nam Sơn sẽ làm rõ vấn đề này.
Yêu cầu phản tố là gì?
Yêu cầu phản tố là quyền của bị đơn đưa ra trong vụ án dân sự, đề nghị với Toà án buộc nguyên đơn hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải thực hiện đối với mình.
Yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ phát sinh khi có nguyên đơn kiện bị đơn, Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ việc đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự.
Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thời điểm bị đơn thực hiện quyền yêu cầu phản tố
Trong thực tiễn, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn bởi những quy định liên quan. Cụ thể:
Thứ nhất, sự xuất hiện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ảnh hưởng đến quyền yêu cầu phản tố của bị đơn.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 200 của BLTTDS 2015 quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.
Cụ thể, theo quy định của khoản 1 Điều 199 Bộ luật TTDS năm 2015, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, kèm theo yêu cầu phản tố (nếu có). Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì thời điểm bắt đầu thực hiện quyền phản tố của bị đơn là ngay khi nhận được thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án. Tuy nhiên, vào thời điểm này, bị đơn chỉ có thể thực hiện được quyền phản tố đối với nguyên đơn, hoàn toàn không thể yêu cầu bù trừ nghĩa vụ hay loại trừ yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi vì nếu trong đơn khởi kiện của nguyên đơn không đề cập đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì trong nội dung của thông báo thụ lý theo Điều 196 Bộ luật TTDS sẽ không có thông tin về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thứ hai, số lần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 có thể làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu phản tố của bị đơn.
Bộ luật TTDS năm 2015 quy định, “bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” là chưa chưa rõ ràng; bởi lẽ, quy định này áp dụng cho trước thời điểm mở phiên họp đầu tiên hay các phiên họp tiếp theo hay phiên họp cuối cùng?
Bên cạnh đó, Bộ luật TTDS năm 2015 cũng chưa quy định cụ thể khi nào thẩm phán tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, cũng như không giới hạn số lần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Căn cứ vào quy trình tố tụng, các phiên họp tiếp theo không thể được gọi là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Do đó, có nhiều cơ sở để cho rằng, thời điểm bị đơn phản tố phải được thực hiện trước khi mở phiên họp đầu tiên theo thủ tục quy định tại Điều 210 Bộ luật TTDS năm 2015. Nếu sau khi thụ lý vụ án một thời gian ngắn, thẩm phán mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì thời gian để bị đơn cân nhắc, tìm kiếm, thu thập tài liệu, chứng cứ và thực hiện quyền yêu cầu phản tố sẽ bị hạn chế rất nhiều. Trong khi đó, thực tế giải quyết các tranh chấp dân sự cho thấy, chỉ sau khi tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải các đương sự nói chung, bị đơn nói riêng mới có đủ thông tin để quyết định việc có đưa ra yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập không. Điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu phản tố của bị đơn.
Thời điểm được đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn
Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 thì “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Quy định bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải là một quy định hoàn toàn mới của BLTTDS năm 2015.
Như vậy Luật Nam Sơn đã giải đáp cho các bạn hiểu quy định của pháp luật về yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Luật Nam Sơn để được hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các luật sư chuyên môn khác.
Điện thoại: 1900.633.246
Gmail: Luatnamson79@gmail.com