Mục lục bài viết
Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã năm 2023
Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được quy định như thế nào? Bài viết sau đây Luật Nam Sơn xin được giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc về vấn đề này.
Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp:
a) Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề;
b) Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào;
c) Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 – 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Trong giai đoạn 2023 – 2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021.
Trong giai đoạn 2026 – 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 và giai đoạn 2023 – 2025.
Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, nếu địa phương thấy cần thực hiện sắp xếp để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tại phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên.
Trường hợp đã thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề nhưng do có các yếu tố đặc thù về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, điều kiện địa lý tự nhiên nên không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác dẫn đến đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp không đạt đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định thì đơn vị hành chính sau sắp xếp phải đạt một trong các điều kiện sau đây:
a) Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng, tiêu chuẩn còn lại phải đạt từ 70% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
b) Đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích tự nhiên đạt từ 30% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng và quy mô dân số đạt từ 200% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
c) Đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên đạt từ 30% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
d) Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.
Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà giảm được số lượng đơn vị hành chính thì không áp dụng tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính cấp huyện hình thành sau sắp xếp.
Đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Phạm vi phân loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp và phạm vi đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường dự kiến hình thành sau sắp xếp phải căn cứ vào một trong các quy hoạch là quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
Đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp
Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
(Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15)
Trên đây là những quy định của pháp luật về Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp chi tiết liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ qua Hotline: 1900.633.246, email: Luatnamson79@gmail.com để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.