TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG THEO LUẬT NĂM 2022

bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng năm 2022

bồi thường thiệt hại

Giao dịch dân sự (hợp đồng) được xác lập luôn có điều khoản về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nào đó vi phạm nghĩa vụ hợp đồng – gọi là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Bài viết trình bày khái niệm và căn cứ, thiệt hại được bồi thường trong bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là gì?

Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tinh thần cho bên bị thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là hình thức trách nhiệm dân sự đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đã gây ra thiệt hại, theo đó, bên có hành vi vi phạm phải bù đắp những tổn thất vật chất, tinh thần do mình gây ra.

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường trong hợp đồng

Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng dựa trên các cơ sở sau đây:

1) Có hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng như giao vật, hàng hoá không đúng số lượng, không đúng chủng loại, không đồng bộ…. như theo nội dung của hợp đồng đã kí kết;

2) Có thiệt hại thực tế, bao gồm thiệt hại trực tiếp (chi phí thực tế xác định được như tài sản bị mất mát, huỷ hoại,…)

và thiệt hại gián tiếp (đó là những thiệt hại dựa trên suy đoán khoa học như thương hiệu sản phẩm, hàng hoá; uy tín kinh doanh; lợi ích từ việc thực hiện hợp đồng nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng…);

3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra;

4) Có lỗi của người vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, có thể là lỗi cố ý hay vô ý

Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định tại các điều khoản sau của Bộ luật Dân sự năm 2015:

– Điều 13 quy định, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Điều 360 cũng có quy định tương tự, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần (Điều 361).

– Điều 419 quy định cụ thể về xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng. Theo đó, thiệt hại được bồi thường sẽ bao gồm:

+ Thiệt hại vật chất thực tế xác định được: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại , thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút;

+ Khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại;

+ Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại;

+ Thiệt hại về tinh thần.

Bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng

Bồi thường tổn thất về tinh thần là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Thông thường là khoản tiền mà người bị xâm phạm hoặc người thân thích của người bị xâm phạm được hưởng theo quy định của BLDS.

  • Khi nào phải bồi thường thiệt hại về tinh thần?

Theo quy định tại các Điều 590, 591, 592 và 604 BLDS 2015, bồi thường thiệt hại về tinh thần khi:

– Do sức khỏe bị xâm phạm: Khi xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Tòa án phải dựa vào các chứng từ do đương sự cung cấp để quyết định mức bồi thường.

– Do tính mạng bị xâm phạm: Bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng và tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

– Do danh dự,nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Phương thức thực hiện bồi thường

– Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng:

+ Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường hay phạt vi phạm kể từ khi giao kết hợp đồng (thể hiện bản chất thỏa thuận của hợp đồng).

+ Việc bồi thường thiệt hại không giải phóng người có nghĩa vụ khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ một cách thực tế

– Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

+ Bên gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời; cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp.

+ Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường; hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc; phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thông thường sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ

Mức bồi thường thiệt hại

– Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng:

+ Có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức thiệt hại xảy ra.

– Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

+ Bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra;

+ Mức bồi thường thiệt hại chỉ có thể được giảm trong một số trường hợp đặc biệt như: người gây thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ.

Mối quan hệ giữa bồi thường thiệt và phạt vi phạm hợp đồng

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng có mục đích chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, phòng ngừa vi phạm hợp đồng.

Với mục đích như vậy, phạt vi phạm được áp dụng một cách phổ biến đối với các vi phạm hợp đồng. Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại là hình thức áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng mua bán.

khoản 3 Điều 418 BLDS 2015 quy định:

– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy, căn cứ vào loại hợp đồng cụ thể mà các bên ký kết, mối quan hệ giữa hai chế tài này là không giống nhau.

– Đối với hợp đồng thương mại: trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh ngay cả khi các bên không có thỏa thuận, còn trách nhiệm nộp phạt vi phạm chỉ phát sinh khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng.

– Đối với hợp đồng dân sự: trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy Luật Nam Sơn đã giải đáp cho các bạn hiểu quy định của pháp luật về BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Luật Nam Sơn để được hỗ trợ trực tiếp bởi đội ngũ Luật sư dày dặn kinh nghiệm.

Điện thoại: 1900.633.246

Gmail: Luatnamson79@gmail.com

1900.633.246 tv.luatnamson@gmail.com Follow on facebook