Quy định về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm năm 2023
Quy định về việc giảm mức độ rủi ro được bảo hiểm năm 2023
Trong năm 2023, việc thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm được quy định tại Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, cụ thể đối với trường hợp giảm rủi ro được bảo hiểm được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Điều 23. Thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm
1. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm, căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thực hiện một trong các nội dung sau đây:
a) Giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;
b) Tăng số tiền bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;
c) Kéo dài thời hạn bảo hiểm;
d) Mở rộng phạm vi bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không chấp nhận yêu cầu tại khoản 1 Điều này, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Như vậy, nếu các yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm năm 2023 có sự thay đổi theo hướng làm giảm các rủi ro được bảo hiểm thì dựa trên các thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì bên mua được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện 1 trong 4 biện pháp:
– Giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;
– Tăng số tiền bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;
– Kéo dài thời hạn bảo hiểm; hoặc
– Mở rộng phạm vi bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Nếu doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận thực hiện những yêu cầu trên của bên mua bảo hiểm, thì bên mua bảo hiểm được phép đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Lưu ý: Bên mua bảo hiểm cần thông báo ngay về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng văn bản.
Trách nhiệm của các bên nếu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm
Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Trong trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì phải chịu trách nhiệm được quy định tại Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
(1) Đối với bên mua bảo hiểm: Nếu bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì:
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm;
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; và
– Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).
(2) Đối với bên doanh nghiệp bảo hiểm: Nếu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì:
– Bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng.
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).
Như vậy, nếu một trong các bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì bên còn lại có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và bên còn lại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh (nếu có).
Trường hợp tăng mức độ rủi ro bảo hiểm được quy định như thế nào?
Nếu trong năm 2023, những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm có sự thay đổi dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm, căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền thực hiện một trong các biện pháp được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 bao gồm:
– Tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;
– Giảm số tiền bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;
– Rút ngắn thời hạn bảo hiểm;
– Thu hẹp phạm vi bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Lưu ý: Nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm năm 2023. Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Hotline: 1900.633.246,
Email: Luatnamson79@gmail.com