Sĩ quan dự bị và những điều cần biết năm 2023
Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi chung là sĩ quan) là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp Úy, cấp Tá, cấp Tướng. Bài viết dưới đây Luật Nam Sơn sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến sĩ quan dự bị.
Mục lục bài viết
Sĩ quan dự bị là gì?
sĩ quan dự bị là sĩ quan thuộc ngạch dự bị, cụ thể theo pháp luật hiện hành thì ngạch sĩ quan dự bị là ngạch gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ
Sĩ quan dự bị sẽ được phân hạng theo tuổi, được phong, thăng quân hàm theo luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam . Sĩ quan dự bị là những sĩ quan được phân hạn theo tuổi bao gồm sĩ quan hạng 1 và hạng 2 được phong hoặc thăng quân hàm theo quy định của pháp luật theo luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan dự bị sẽ được đăng ký và được quản lý bởi cơ quan quân sự địa phương nơi sĩ quan đang công tác hoặc cư trú.
Độ tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị
Theo Điều 38 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014) thì hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị quy định như sau:
Cấp úy: 51;
Thiếu tá: 53;
Trung tá: 56;
Thượng tá: 57;
Đại tá: 60;
Cấp Tướng: 63.
Đối tượng đăng ký sĩ quan dự bị
Theo Điều 39 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014, Những cá nhân sau đây phải đăng ký sĩ quan dự bị:
– Sĩ quan, cán bộ là quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện của sĩ quan dự bị;
– Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan khi thôi phục vụ tại ngũ và hạ sĩ quan dự bị đã được đào tạo sĩ quan dự bị;
– Cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của quân đội, đã được đào tạo sĩ quan dự bị.
Trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan dự bị
Căn cứ Điều 42 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014) quy định trách nhiệm của sĩ quan dự bị sau đây:
– Đăng ký, chịu sự quản lý của chính quyền và cơ quan quân sự địa phương nơi cư trú hoặc công tác và đơn vị dự bị động viên;
– Tham gia các lớp huấn luyện, tập trung kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
– Hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong lực lượng dự bị động viên;
– Vào phục vụ tại ngũ theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014).
Căn cứ Điều 43 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014) quy định quyền lợi của sĩ quan dự bị sau đây:
– Được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở quân y và được hưởng các chế độ khác do Chính phủ quy định; được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích;
– Sĩ quan dự bị được gọi vào phục vụ tại ngũ trong thời bình, khi hết thời hạn được trở về cơ quan hoặc địa phương trước khi nhập ngũ và tiếp tục phục vụ trong ngạch dự bị; trường hợp quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ tiêu chuẩn thì được chuyển sang ngạch sĩ quan tại ngũ.
Các trường hợp miễn nhiệm chức vụ, giải ngạch sĩ quan dự bị
Cụ thể tại Điều 19 Nghị định 78/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp miễn nhiệm chức vụ sĩ quan dự bị như sau:
– Khi có quyết định thay đổi tổ chức, biên chế hoặc giải thể đơn vị dự bị động viên của cấp có thẩm quyền, không còn nhu cầu biên chế chức vụ của sĩ quan dự bị đang đảm nhiệm.
– Sĩ quan dự bị được cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp, bổ nhiệm trong các đơn vị dự bị động viên hoặc được bầu giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc diện miễn gọi nhập ngũ thời chiến.
– Sĩ quan dự bị có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc sức khỏe giảm sút từ loại 4 trở lên, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ hiện tại.
– Sĩ quan dự bị được cấp có thẩm quyền quyết định giải ngạch thì đương nhiên miễn nhiệm chức vụ.
– Sĩ quan dự bị được bổ nhiệm chức vụ trong đơn vị dự bị động viên, khi ra nước ngoài học tập, lao động, làm việc thời gian từ một năm trở lên hoặc thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú, chấp hành không nghiêm lệnh gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ thấp thì xem xét miễn nhiệm.
Đối với trường hợp giải ngạch sĩ quan dự bị, thì được quy định tại Điều 23 Nghị định 78/2020/NĐ-CP như sau:
– Hết tuổi phục vụ theo quy định tại Điều 38 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2008, 2014)
– Không còn đủ tiêu chuẩn của sĩ quan hoặc không đủ tiêu chuẩn sức khỏe gọi vào phục vụ tại ngũ.
– Sĩ quan dự bị phải thi hành án phạt tù.
– Xuất cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Trên đây là những quy định của pháp luật về Sĩ quan dự bị. Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp chi tiết liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ qua Hotline: 1900.633.246, email: Luatnamson79@gmail.com để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.