Quy định pháp luật về phát triển rừng đặc dụng năm 2023
Phát triển rừng đặc dụng được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Nam Sơn sẽ làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
Rừng đặc dụng là gì?
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:
– Vườn quốc gia;
– Khu dự trữ thiên nhiên;
– Khu bảo tồn loài – sinh cảnh;
– Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
– Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
Các hoạt động thực hiện phát triển rừng đặc dụng
Căn cứ tại Điều 46 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về hoạt động thực hiện phát triển rừng đặc dụng như sau:
– Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, thực hiện các hoạt động sau đây:
+ Duy trì cấu trúc rừng tự nhiên, bảo đảm sự phát triển tự nhiên của rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng;
+ Phục hồi cấu trúc rừng tự nhiên; áp dụng biện pháp kết hợp tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng, trồng loài cây bản địa trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng;
+ Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật.
– Đối với khu bảo vệ cảnh quan, thực hiện các hoạt động sau đây:
+ Duy trì diện tích rừng hiện có;
+ Áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng để nâng cao chất lượng rừng.
– Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, thực hiện hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do chủ rừng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
– Đối với rừng giống quốc gia, thực hiện hoạt động để duy trì và phát triển rừng theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đối với vườn thực vật quốc gia, thực hiện hoạt động sưu tập, chọn lọc, lưu giữ, gây trồng loài cây bản địa gắn với nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, tham quan du lịch.
Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý rừng đặc dụng
Nghĩa vụ của ban quản lý rừng đặc dụng
Ban quản lý rừng đặc dụng có nghĩa vụ sau đây:
– Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp 2017;
– Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt;
– Hỗ trợ cộng đồng dân cư trong vùng đệm ổn định đời sống, phát triển kinh tế – xã hội theo quy định tại Điều 54 Luật Lâm nghiệp 2017;
– Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.
Quyền của ban quản lý rừng đặc dụng
Ban quản lý rừng đặc dụng có quyền sau đây:
– Các quyền quy định tại Điều 73 Luật Lâm nghiệp 2017;
– Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 94 Luật Lâm nghiệp 2017;
– Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 52, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 Luật Lâm nghiệp 2017;
– Được cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ, giảng dạy, thực tập, hợp tác quốc tế.
(Khoản 1 Điều 75Luật Lâm nghiệp 2017)
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về phát triển rừng đặc dụng năm 2023. Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Hotline: 1900.633.246,
Email: Luatnamson79@gmail.com