Quy định về trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội
Mục lục bài viết
1. Các đối tượng được khiếu nại về bảo hiểm xã hội
a. Người lao động
Theo Điều 118 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, các đối tượng người lao động được khiếu nại về bảo hiểm xã hội bao gồm:
– Người lao động (bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp,…)
– Người đang hưởng lương hưu (tức người đã thỏa mãn các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu), trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng
– Người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội (tạm thời dừng đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi làm thủ tục tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội)
– Những người khác (các đối tượng có vướng mắc, có liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội)
b. Người sử dụng lao động
Theo Khoản 2 Điều 118 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người sử dụng lao động của các chủ thể người lao động trên có quyền được khiếu nại. Trong đó bao gồm:
– Người sử dụng lao động của người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (người sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập nơi sử dụng lao động gồm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,…)
– Người sử dụng lao động của người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã,…)
2. Khiếu nại về vấn đề bảo hiểm xã hội
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, các đối tượng trên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét lại các quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức. cá nhân có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nói cách khác, các chủ thể này có quyền khiếu nại khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm do hành vi trái pháp luật của các chủ thể khác (có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý pháp luật việc làm gắn với an sinh xã hội cho người lao động; …)
Chủ thể có quyền khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xem xét lại các quyết định, hành động của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Ví dụ: Khi khiếu nại quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc duy trì chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động gửi khiếu nại đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Các hình thức giải quyết khi phát hiện quyết định, hành vi hành chính có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 119 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức:
– Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) có trách nhiệm giải quyết.
– Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật (tuy nhiên trong trường hợp khởi kiện tại Tòa án, khi có quyết định của Tòa án thì không được tiến hành hoạt động khiếu nại nữa)
4. Quy định giải quyết khiếu nại
Theo Khoản 1 Điều Điều 119 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo pháp luật về khiếu nại, cụ thể là Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011.
Theo đó, nếu người khiếu nại lần đầu thực hiện quyền khiếu nại, thì trình tự giải quyết khiếu nại được xác định như sau:
– Khiếu nại đối với cá nhân đưa ra quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính được cho là vi phạm pháp luật: Gửi khiếu nại đến cá nhân hoặc cơ quan của cá nhân đó trong thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận được quyết định hoặc hành vi hành chính. Trong đó chú ý:
+ Trong trường hợp quyết định, hành vi hành chính có dấu hiệu trái pháp luật của Bộ trưởng (Ví dụ: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (Ví dụ: Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thì người khiếu nại trực tiếp khiếu nại đến các chủ thể này.
+ Đối với trưởng hợp quyết định, hành vi hành chính có dấu hiệu trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì người khiếu nại trực tiếp khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
– Cơ quan, cá nhân bị khiếu nại khi thụ lý có trách nhiệm trả lời, giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại thông qua quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn tối đa 30 ngày hoặc tối đa 45 ngày đối với vụ việc phức tạp.
– Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại:
+ Nếu người thực hiện khiếu nại lần đầu nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)
+ Nếu người thực hiện khiếu nại lần đầu không đồng ý với quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án
Như vậy Luật Nam Sơn đã giải đáp cho các bạn Quy định về trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội
Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Luật Nam Sơn để được hỗ trợ trực tiếp bởi các Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Điện thoại: 1900.633.246
Gmail: Luatnamson79@gmail.com