Quy định về thời điểm hưởng lương hưu
Mục lục bài viết
1. Xác định thời điểm hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng đóng bảo hiểm xã hội
1.1. Đối với người lao động nhóm 1 đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Người lao động nhóm 1
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 59 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người lao động thuộc nhóm 1 bao gồm:
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ,…)
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân dội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
– Cán bộ, công chức, viên chức
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn
Thời điểm người lao động nhóm 1 hưởng lương hưu
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 59 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, thời điểm người lao động nhóm 1 (được nêu trên) được hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.
1.2. Đối với người lao động nhóm 2 đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Người lao động thuộc nhóm 2
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 59 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người lao động thuộc nhóm 2 bao gồm người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Thời điểm hưởng lương hưu
Đối với người lao động trong trường hợp này, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và có văn bản đề nghị gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
1.3. Đối với người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài), người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 59 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, đối với người lao động thuộc nhóm này, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong văn bản đề nghị của người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.
2. Một số lưu ý khi xác định thời điểm hưởng lương hưu của người lao động
2.1. Thời điểm hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ ngày 01 của tháng liền kề sau tháng có kết luận suy giảm khả năng lao động.
Ví dụ: Người lao động A sinh ngày 10/5/1965 đã đóng bảo hiểm xã hội được 24 năm. Ngày 20/5/2016, Hội đồng giám định y khoa xác định người lao động A bị suy giảm 63% khả năng lao động. Thời điểm người lao động A đủ điều kiện hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động kể từ ngày 01/6/2016.
2.2. Thời điểm hưởng lương hưu đói với trường hợp không còn hồ sơ gốc
Hồ sơ gốc ở đây là hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 (Theo Điểm b Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04/08/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong thời gian dài có thể hồ sơ gốc không còn được lưu trữ, thất lạc dẫn đến khó xác định thời gian làm việc cũng như đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được ghi lại trong hồ sơ gốc.
Trong trường hợp này, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trên hồ sơ giải quyết hưởng của BHXH Việt Nam, vì nếu không còn hồ sơ gốc thì người lao động phải làm hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH nơi hưởng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm giải quyết chế độ cho người lao động nếu xác định được thời gian đóng bảo hiểm xã hội và số năm làm việc trong chế độ nhà nước. Khi lương hưu của người lao động được thanh lý thì đây cũng là lúc người lao động được hưởng lương hưu.
2.3 Trường hợp người sử dụng lao động nộp hồ sơ chậm
Căn cứ vào Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động nộp hồ sơ chậm thì phải có văn bản giải trình và nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình, tức nếu nội dung giải trình sai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người sử dụng lao động hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thời điểm hưởng lương hưu của người lao động không bị ảnh hưởng nếu người sử dụng lao động giải trình thành công.
Như vậy Luật Nam Sơn đã giải đáp cho các bạn Quy định về thời điểm hưởng lương hưu
Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Luật Nam Sơn để được hỗ trợ trực tiếp bởi các Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Điện thoại: 1900.633.246
Gmail: Luatnamson79@gmail.com