Lợi nhuận chưa phân phối dùng tăng vốn điều lệ của công ty có đóng thuế TNCN hay không? Hãy cùng Luật Nam Sơn tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Lợi nhuận chưa phân phối là gì?
Lợi nhuận chưa phân phối hay lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là thuật ngữ phản ánh kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp. Chủ sở hữu/các thành viên góp vốn/cổ đông hoặc bên thứ ba có thể đánh giá được doanh nghiệp kinh doanh lãi hay lỗ trong năm tài chính tương ứng.
Điều kiện phân chia lợi nhuận: Lợi nhuận được dùng để phân chia cho chủ sở hữu/các thành viên góp vốn/cổ đông của công ty sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.
Thời điểm chia lợi nhuận: theo quy định tại Điều lệ của Công ty.
Quy định pháp luật về hình thức tăng vốn điều lệ dựa trên lợi nhuận chưa phân phối
Doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ dựa trên lợi nhuận chưa phân phối trong các trường hợp sau:
+ Tăng vốn góp của thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên: Khoản 1 Điều 68 Luật Doanh Nghiệp 2020;
+ Chủ sở hữu công ty góp thêm vốn: Khoản 1, 2 Điều 87 Luật Doanh Nghiệp 2020;
+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu trong công ty cổ phần: Khoản 1 Điều 124 Luật Doanh Nghiệp 2020.
Về hình thức tăng vốn, pháp luật không quy định cụ thể hay giới hạn các hình thức góp vốn cụ thể. Do đó, các chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông góp vốn thông qua hình thức chuyển đổi lợi nhuận chưa phân phối thành vốn góp thì không trái với quy định pháp luật.
Lợi nhuận chưa phân phối dùng tăng vốn điều lệ của công ty có đóng thuế TNCN hay không?
Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC có thể hiểu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối mà chuyển sang vốn góp thì có thể xem là “thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn“.
Thu nhập này được xem là thu nhập từ đầu tư vốn và phải chịu thuế TNCN. Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì:
Đối với thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.
Ngoài ra, Khoản 9 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC cũng quy định như sau:
Cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn khi nhận. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ đầu tư vốn.
Như vậy, tại thời điểm ghi tăng vốn, không chia lợi nhuận thì chưa phải kê khai, tính thuế TNCN. Chỉ kê khai, tính thuế TNCN khi cá nhân đó chuyển nhượng hoặc rút vốn khỏi công ty.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Lợi nhuận chưa phân phối dùng tăng vốn điều lệ của công ty có đóng thuế TNCN hay không? Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Hotline: 1900.633.246,
Email: Luatnamson79@gmail.com