Kiểm toán độc lập và những điều cần biết năm 2023
Kiểm toán độc lập là gì? Được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Nam Sơn sẽ làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
Kiểm toán độc lập là gì?
Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.
Trong đó:
– Kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam.
Kiểm toán viên hành nghề là kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
– Doanh nghiệp kiểm toán là doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
(Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011)
Các loại báo cáo kiểm toán độc lập
Báo cáo kiểm toán độc lập bao gồm:
* Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính:
– Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính được lập theo quy định của chuẩn mực kiểm toán và có những nội dung sau đây:
+ Đối tượng của cuộc kiểm toán;
+ Trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
+ Phạm vi và căn cứ thực hiện cuộc kiểm toán;
+ Địa điểm và thời gian lập báo cáo kiểm toán;
+ Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính đã được kiểm toán;
+ Nội dung khác theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
– Ngày ký báo cáo kiểm toán không được trước ngày ký báo cáo tài chính.
– Báo cáo kiểm toán phải có chữ ký của kiểm toán viên hành nghề do doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam giao phụ trách cuộc kiểm toán và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được ủy quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật. Người được ủy quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật phải là kiểm toán viên hành nghề.
– Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn, tổng công ty theo mô hình công ty mẹ – công ty con được thực hiện theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
* Báo cáo kiểm toán về các công việc kiểm toán khác
Báo cáo kiểm toán về các công việc kiểm toán khác được lập trên cơ sở báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính và chuẩn mực kiểm toán phù hợp với từng cuộc kiểm toán.
(Điều 46, 47 Luật Kiểm toán độc lập 2011)
Ý kiến kkiểm toán độc lập
– Căn cứ vào kết quả kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và các nội dung khác đã được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
– Bộ Tài chính quy định nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán phù hợp với chuẩn mực kiểm toán.
– Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đại diện chủ sở hữu đối với đơn vị được kiểm toán có quyền yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại ViệtNam và đơn vị được kiểm toán giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán.
(Điều 48 Luật Kiểm toán độc lập 2011)
Giá trị của báo cáo kiểm toán độc lập
Giá trị của báo cáo kiểm toán độc lập được quy định tại Điều 7 Luật kiểm toán độc lập 2011 như sau:
– Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đánh giá tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.
– Báo cáo kiểm toán tuân thủ đánh giá việc tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán.
– Báo cáo kiểm toán hoạt động đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán.
– Báo cáo kiểm toán được sử dụng để:
+ Cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan;
+ Cơ quan nhà nước quản lý điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
+ Đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.
Kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập
Kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán được quy định tại Điều 52 Luật Kiểm toán độc lập 2011:
– Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống kiểm soát chất lượng dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Kiểm toán độc lập 2011, các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng cho từng cuộc kiểm toán.
– Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền về chất lượng dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Kiểm toán độc lập 2011.
– Bộ Tài chính được huy động kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề và các chuyên gia khác trong việc thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Việc huy động và bố trí người tham gia kiểm soát chất lượng phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan.
– Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập hội đồng chuyên môn để tư vấn cho việc xử lý các kiến nghị về báo cáo kiểm toán và chất lượng kiểm toán.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Kiểm toán độc lập và những điều cần biết năm 2023. Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Hotline: 1900.633.246,
Email: Luatnamson79@gmail.com