Khu bảo tồn là gì? Dựa vào tiêu chí nào để phân cấp khu bảo tồn? Hãy cùng Luật Nam Sơn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
Khu bảo tồn là gì?
Theo khoản 12 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học 2008, khu bảo tồn thiên nhiên (sau đây gọi là khu bảo tồn) là khu vực địa lý được xác lập ranh giới và phân khu chức năng để bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong đó, đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. (Theo khoản 5 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học 2008)
Hiện nay, có 4 loại khu bảo tồn bao gồm:
– Vườn quốc gia;
– Khu dự trữ thiên nhiên;
– Khu bảo tồn loài – sinh cảnh;
– Khu bảo vệ cảnh quan.
Tiêu chí phân cấp khu bảo tồn
Căn cứ vào mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phân thành cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp.
Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 65/2010/NĐ-CP quy định về tiêu chí phân cấp khu bảo tồn như sau:
Đối với Khu bảo tồn cấp quốc gia
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 65/2010/NĐ-CP, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia là các khu bảo tồn đáp ứng các tiêu chí chủ yếu quy định tại Điều 17, khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 Luật Đa dạng sinh học 2008. Cụ thể như sau:
* Vườn quốc gia:
Đối với vườn quốc gia, theo Điều 17 Luật Đa dạng sinh học 2008 thì phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:
– Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
– Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
– Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
– Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.
* Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia:
Theo khoản 2 Điều 18 Luật Đa dạng sinh học 2008, khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:
– Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
– Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
* Khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp quốc gia:
Các tiêu chí chủ yếu của khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp quốc gia được quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Đa dạng sinh học 2008 như sau:
– Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
– Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục.
* Khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia:
Đối với khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia, theo khoản 2 Điều 20 Luật Đa dạng sinh học 2008 thì phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:
– Có hệ sinh thái đặc thù;
– Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên;
– Có giá trị về khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đối với khu bảo tồn cấp tỉnh
* Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh:
Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh là khu bảo tồn đáp ứng các tiêu chí chủ yếu được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 65/2010/NĐ-CP như sau:
– Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với địa phương, hệ sinh thái đặc thù hoặc đại diện cho các hệ sinh thái của địa phương đó;
– Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
* Khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh:
Đối với khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh là khu bảo tồn, theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 65/2010/NĐ-CP thì phải đáp ứng các tiêu chí chủ yếu sau đây:
– Là nơi sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã thuộc Danh mục cấm khai thác ngoài tự nhiên, nơi sinh sản, tránh rét của các loài di cư;
– Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
* Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh:
Theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 65/2010/NĐ-CP, khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh là khu bảo tồn đáp ứng các tiêu chí chủ yếu sau đây:
– Có cảnh quan môi trường, nét đẹp, độc đáo của thiên nhiên nhưng không đáp ứng các tiêu chí thành lập khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia;
– Có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về Khu bảo tồn là gì? Dựa vào tiêu chí nào để phân cấp khu bảo tồn? Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Hotline: 1900.633.246,
Email: Luatnamson79@gmail.com