Hòa giải và trọng tài thương mại: 01 số điểm khác biệt.

Hòa giải thương mại

Hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ngoài Tòa án) theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật.

Tuy nhiên nếu không hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan có thể hiểu sai, hiểu nhầm về hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này – những mâu thuẫn/xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Bài viết sau đây sẽ giải pháp phân biệt hoạt động hòa giải thương mại và trọng tài thương mại, cụ thể:

Khái niệm về Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại

Hòa giải thương mại

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại có quy định: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.”

Về bản chất, hòa giải thương mại là sự can thiệp của bên thứ ba (còn gọi là Hòa giải viên) độc lập và không thiên vị vào cuộc tranh chấp thương mại theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Hòa giải có khá nhiều điểm tương đồng với phương thức thương lượng, điểm khác biệt là trong thương lượng không có sự có mặt của bên thứ ba thực hiện việc điều tiết quá trình thương lượng.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.”

Xét thấy, trọng tài là một quá trình giải quyết tranh chấp được thỏa thuận giữa các bên trong đó tranh chấp được đệ trình cho một hoặc nhiều trọng tài viên đưa ra phán quyết. Nó là một phương thức giải quyết tranh chấp cơ chế vì nó cho phép các bên giải quyết tranh chấp của họ bên ngoài tòa án Nhà nước.

Nguyên tắc

– Hòa giải

+ Tự do ý chí của các bên tranh chấp;

+ Đảm bảo tính khách quan, công bằng, hợp lý, tôn trọng tập quán thương mại trong nước và quốc tế;

+ Chấm dứt hòa giải ngay lập tức nếu không đạt được thỏa thuận hoặc nếu một trong hai bên không muốn tiếp tục hòa giải;

+ Bảo toàn bí mật tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các bên và của hòa giải viên trong quá trình hòa giải.

– Trọng tài thương mại

+ Nguyên tắc thỏa thuận;

+ Trọng tài viên hoặc Hội đồng trọng tài sẽ ra một quyết định (phán quyết) sau khi cân nhắc mọi chứng cứ và lập luận của các bên theo quy trình, thủ tục tố tụng nhất định do các bên lựa chọn.

+ Các quyết định và phán quyết trọng tài là chung thẩm và có thể được tòa án công nhận và cho thi hành thông qua một thủ tục tư pháp, do không có bộ máy cưỡng chế thi hành phán quyết riêng của trọng tài (trọng tài là tổ chức phi chính phủ)

Hình thức

– Hòa giải: bao gồm hai hình thức như sau:

+ Hòa giải vụ việc: là phương thức hòa giải mà trong đó việc tổ chức và giám sát do các bên tự quy định không có sự trợ giúp của bất kỳ tổ chức hoặc người hòa giải thứ ba nào;

+ Hòa giải quy chế: do một tổ chức, hoặc một trung tâm hòa giải chuyên nghiệp. Hòa giải quy chế phải tuân theo những quy  tắc hòa giải riêng của tổ chức hòa giải đó

– Trọng tài thương mại

+ Trọng tài vụ việc: là hình thức giải quyết tranh chấp mà trong đó trọng tài tự tiến hành, được thành lập do các bên thỏa thuận trình tự thành lập, nguyên tắc tiến hành giải quyết tranh chấp, lựa chọn trọng tài viên, luật áp dụng cho vụ tranh chấp,thi hành phán quyết của trọng tài, …

+ Trọng tài quy chế (thường trực): là trọng tài hoạt động có quy chế riêng, trong quy chế đó có quy định các nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền xét xử, danh sách trọng tài viên để các bên tranh chấp lựa chọn tham gia hội đồng xét xử.

Điều kiện

– Hòa giải:

+ Hòa giải không thể được tiến hành nếu như không có sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Thỏa thuận này có thể được thể hiện dưới dạng một điều khoản của hợp đồng hoặc một thỏa thuận phụ lục của hợp đồng.

– Trọng tài thương mại:

+ Về nguyên tắc, trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên đối với các vụ việc tranh chấp cụ thể, mà chỉ có thẩm quyền khi các bên đương sự thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài, đồng thời tranh chấp này phải nằm trong phạm vi các tranh chấp được pháp luật cho phép giải quyết bằng trọng tài.

+ Hình thức biểu hiện của thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng hoặc bằng một thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài và về hình thức thỏa thuận trọng tài phải được lập thành văn bản theo nghĩa rộng, mọi hình thức khác đều không có giá trị pháp lý.

Hiệu lực thi hành

– Hòa giải

+ Kết quả hòa giải không có giá trị chung thẩm. Nếu hòa giải thành công, chấm dứt thủ tục hòa giải sẽ là văn bản kết quả hòa giải thành mà khi đó, nếu một bên không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án (trước khi muốn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự).

+ Nếu hòa giải không thành công, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

– Trọng tài thương mại

+ Phán quyết trọng tài sẽ có hiệu lực chung thẩm. Nếu một bên không thi hành theo phán quyết, bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành dân sự cưỡng chế thi hành mà không phải qua thủ tục công nhận tại Tòa án (trừ trường hợp phán quyết trọng tài vụ việc phải đăng ký tại tòa theo quy định).

Tính cưỡng chế

– Hòa giải

+ Phải mang biên bản hòa giải thành đến Tòa án và đề nghị công nhận. Khi đó Tòa án sẽ xem xét công nhận hay không công nhận: Nếu công nhận: Được cưỡng chế thi hành; Nếu không công nhận: Sẽ xử lý theo nghĩa vụ hợp đồng.

– Trọng tài thương mại

+ Các quyết định và phán quyết trọng tài là chung thẩm và có thể được tòa án công nhận và cho thi hành thông qua một thủ tục tư pháp, do không có bộ máy cưỡng chế thi hành phán quyết riêng của trọng tài.

Như vậy, Luật Nam Sơn đã giải đáp cho các bạn hiểu quy định của pháp luật về hòa giải và trọng tài thương mại. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật, quý khách có thể liên hệ qua:

Hotline 1900.633.246;

Email: Luatnamson79@gmail.com để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư HàLuật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.

1900.633.246 tv.luatnamson@gmail.com Follow on facebook