Mục lục bài viết
Các biện pháp cai nghiện ma túy năm 2022
Chất ma túy là gì? Các biện pháp cai nghiện ma túy đối với người sử dụng ma túy được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết sau đây Luật Nam Sơn xin được giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc về vấn đề này.
Khái niệm chất ma túy?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021, quy định về khái niệm chất ma túy như sau:
“Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.”
Đồng thời, căn cứ theo Điều 1 Nghị định 73/2018/NĐ-CP danh mục chất ma túy được quy định bao gồm:
Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục II: Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục III: Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Cá nhân, tổ chức tàng trữ các chất ma tuý dưới các hình thức như: cất, giữ, giấu, lưu giữ ở địa điểm xác định một cách bất hợp pháp thì hành vi này được xem là tàng trữ trái phép chất ma tuý.
Người sử dụng ma túy bị xử lý vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Người sử dụng ma túy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 không quy định bất cứ tội danh nào đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Vì vậy, nếu người đó chỉ sử dụng trái phép chất ma túy mà không đồng thời có các hành vi như tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy,… thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, vì việc sử dụng ma túy gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nên hành vi này vẫn phải chịu sự điều chỉnh của các quy định khác.
Các biện pháp cai nghiện ma túy
Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện
Cai nghiện ma túy tự nguyện bao gồm: cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy.
Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.
Người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật này được hỗ trợ kinh phí.
Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;
b) Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
b) Hướng dẫn, quản lý người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
c) Cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:
a) Giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
b) Tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
c) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
d) Bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
b) Thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
(Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy 2021)
Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy
Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.
Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật này được hỗ trợ kinh phí.
Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;
b) Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.
Trường hợp người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà có hoàn cảnh khó khăn được xét giảm hoặc miễn chi phí phải nộp.
Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện cho người cai nghiện ma túy.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
(Điều 31 Luật Phòng, chống ma túy 2021)
Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc
Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên mà người này:
Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
Trong thời gian quản lý sau cai nghiện mà tái nghiện.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng bao gồm những người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy 2021, cụ thể:
Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Trên đây là những quy định của pháp luật về các biện pháp cai nghiện ma túy năm 2022 Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp chi tiết liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ qua Hotline: 1900.633.246, email: Luatnamson79@gmail.com để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.