Thi hành án dân sự: 04 đặc điểm của kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất cần biết

04 đặc điểm của kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự

Kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự thể hiện quyền lực nhà nước, có tính nghiêm khắc nhất trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, là một hoạt động dựa trên các cơ sở pháp lý được pháp luật quy định chặt chẽ.

Kê biên quyền sử dụng đất còn là hoạt động khá nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án cũng như những người có liên quan, nếu thực hiện không dựa trên một cơ sở chặt chẽ, các thủ tục không được thực hiện đầy đủ và đúng với quy định pháp luật thì khi có vấn phát sinh mà cơ quan thi hành án sẽ không có cơ sở để giải quyết thì quá trình thi hành án sẽ bị đình trệ, thậm chí có thể phải làm lại từ đầu, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của nhà nước, tổ chức, công dân. Chính vì vậy, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất phải đảm bảo các cơ sở sau:

– Theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền cho người được thi hành án. như vậy, khi bản án, quyết định có hiệu lực trên thực tế là cơ sở pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất để chấp hành viên căn cứ vào đó để thực hiện cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất đối với người phải thi hành án và người này phải có nghĩa vụ trả tiền đối với người được thi hành án.

Đã hết thời gian tự nguyện thi hành án do chấp hành viên ấn định người phải thi hành án không tự nguyện thi hành. do tính chất của thi hành án dân sự khác với thi hành án hình sự là lấy trừng phạt làm đầu. Trong thi hành án dân sự cần thiết phải có thời gian để người phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình.

Chính vì vậy, tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 quy định: “hết thời gian quy định tại khoản 1 điều 45 của luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế”. Luật Thi hành án dân sự đã quy định thời gian tự nguyện cố định đối với mọi trường hợp là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

– Chưa hết thời gian tự nguyện thi hành án nhưng người phải thi hành án có dấu hiệu tẩu tán, hủy hoại tài sản. ngay cả khi đang trong thời gian tự nguyện thi hành án, nếu chấp hành viên phát hiện thấy người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc thực hiện các biện pháp khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án, thì chấp hành viên cũng có thể áp dụng ngay biện pháp kê biên quyền sử dụng đất để ngăn chặn hành vi nhằm trốn tránh nghĩa vụ của người phải thi hành án. (khoản 2 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung 2014).

Từ các phân tích trên, có thể rút ra các đặc điểm của việc kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự như sau:

04 đặc điểm của kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự

          Thứ nhất, quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt trong cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án dân sự.

Đất đai nước ta thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước đại diện làm chủ sở hữu (được quy định trong Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013). Và theo quy định của blds 2015 thì vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản thì được coi là tài sản, quyền sử dụng đất là quyền tài sản, có giá trị lớn. Với tư cách là đại diện sở hữu, nhà nước có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt với đất đai. Theo đó, cá nhân, tổ chức không có quyền tự ý định đoạt với đất đai. quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác được xác lập do nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.

          Thứ hai, kê biên quyền sử dụng đất mang tính quyền lực nhà nước.

Chủ thể có quyền quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất là chấp hành viên. Theo quy định tại Điều 17 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 thì chấp hành viên là người được nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại điều 2 của luật này.

Quyền lực nhà nước còn được thể hiện ở khía cạnh chỉ có cơ quan thi hành án mới có quyền cưỡng chế, kê biên và xử lý quyền sử dụng đất. Nhà nước không trao quyền này cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Tóm lại, kê biên quyền sử dụng đất mang tính quyền lực nhà nước rất rõ nét, quyền này trao cho chấp hành viên thực hiện.

          Thứ ba, khi bị kê biên, quyền sử dụng đất của người sử dụng đất bị hạn chế.

Khi chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất thì kể từ thời điểm đó, người phải thi hành án không được tự mình chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, tặng cho, góp vốn và thừa kế quyền sử dụng đất, nếu muốn thực hiện thì phải thông qua các chấp hành viên cũng như các thủ tục luật định khác. Việc quy định này là nhằm tránh những rủi ro không đáng có, bảo đảm quyền lợi cho người được thi hành án.

          Thứ tư, mục đích kê biên quyền sử dụng đất là để bán đấu giá thu tiền nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án.

Ngoài việc mục đích bảo đảm cho thi hành án, kê biên quyền sử dụng đất còn có mục đích khác là xử lý quyền sử dụng đất đã kê biên để bán đấu giá quyền sử dụng đất để thu tiền nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án.

Như vậy, Luật Nam Sơn đã giải đáp cho các bạn hiểu quy định của pháp luật về kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật, quý khách có thể liên hệ qua:

Hotline 1900.633.246;

Email: Luatnamson79@gmail.com để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư HàLuật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.

 

1900.633.246 tv.luatnamson@gmail.com Follow on facebook