Xuất khẩu lao động là gì?
Đi xuất khẩu lao động là quá trình người lao động đi làm việc tại một quốc gia nào đó khác với quê hương của mình. Đi xuất khẩu lao động có thể mang lại cho người lao động những cơ hội mới để kiếm tiền, học hỏi kinh nghiệm cũng như được tiếp cận với nền kinh tế phát triển hơn.
Hiện nay, theo pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm “xuất khẩu lao động”. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có giải thích về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
….”
Như vậy, xuất khẩu lao động có thể được hiểu là việc công dân Việt Nam từ đủ 18 trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
03 hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp hiện nay
Không phải bất cứ ai cũng có thể kinh doanh dịch vụ môi giới xuất khẩu lao động. Nhằm tránh việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng lòng tin của NLĐ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, NLĐ muốn xuất khẩu lao động có thể thông qua 03 hình thức tại Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì được xem là hợp pháp:
(1) Thông qua đơn vị sự nghiệp công lập
Hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Đơn vị sự nghiệp được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giao nhiệm vụ bằng văn bản về việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Lưu ý: Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động phi lợi nhuận và không được thu tiền dịch vụ của người lao động.
Đây là một hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp, an toàn và được cơ quan có thẩm quyền bảo hộ cho NLĐ. Các đơn vị này trực thuộc Nhà nước vì vậy có thể đảm bảo uy tín.
(2) Thông qua dịch vụ tư vấn việc làm
Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
– Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hình thức này hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động do Bộ trưởng BLĐTBXH cấp.
Ngoài ra, phải duy trì các điều kiện Giấy phép hoạt động dịch vụ và đáp ứng các điều kiện của từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo quy định của Chính phủ trong suốt quá trình hoạt động.
– Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài.
Được thực hiện đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động khi có hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài.
Có phương án đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và báo cáo BLĐTBXH.
Chỉ đưa NLĐ Việt Nam đang làm việc cho chính doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đi làm việc tại công trình, dự án ở nước ngoài theo hợp đồng trúng thầu, nhận thầu.
– Doanh nghiệp Việt Nam đưa NLĐ Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
Có hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
Có tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ.
Chỉ được đưa NLĐ có hợp đồng lao động và hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài tại cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngành, nghề, công việc cụ thể NLĐ Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
– Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Doanh nghiệp này đầu tiên phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Có phương án đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà NLĐ đến làm việc và báo cáo BLĐTBXH.
Chỉ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.
(3) Giao kết với doanh nghiệp nước ngoài
Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
NLĐ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định về năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện đi làm việc tại nước ngoài, đủ sức khỏe theo quy định của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, trình độ ngoại ngữ và năng lực chuyên môn, không bị cấm hoặc tạm hoãn xuất nhập cảnh.
Có hợp đồng lao động trực tiếp giao kết theo quy định tại Điều 52 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
Có văn bản xác nhận việc đăng ký hợp đồng lao động của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi người lao động thường trú.
Như vậy, NLĐ muốn xuất khẩu lao động sang nước ngoài phải thuộc một trong 03 trường hợp trên thì được xem là xuất khẩu lao động hợp pháp và đúng quy định về lao động. Việc cá nhân NLĐ tự ý giao kết xuất khẩu ra nước ngoài mà không thuộc các trường hợp trên, thì đây là hành vi môi giới bất chính. Với mục đích mua bán lao động và không hề đảm bảo quyền lợi của lao động Việt Nam.
Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về 03 hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp hiện nay Luật Nam Sơn xin gửi đến quý bạn đọc. Trường hợp có các thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp luật quý bạn đọc có thể liên hệ Luật Nam Sơn để được tư vấn trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư có kinh nghiệm khác.
Hotline: 1900.633.246,
Email: Luatnamson79@gmail.com